Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân gây đột tử hàng đầu hiện nay với tỷ lệ ngày càng tăng. Hãy cùng tìm hiểu các triệu chứng nhồi máu cơ tim sớm để nhận biết và không nên chủ quan trong tình huống này
1. Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng một hay nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn, gây thiếu máu cơ tim đột ngột và hoại tử vùng cơ tim bị thiếu máu. Nhồi máu cơ tim dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng nếu không cấp cứu để khôi phục lưu lượng máu nhanh chóng, có thể gây tổn thương tim vĩnh viễn và tử vong.
2. Đối tượng có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy nhiên đối tượng thường gặp nhất là nam trên 45 tuổi và nữ trên 50 tuổi. Ngoài ra, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim còn liên quan chặt chẽ với một số yếu tố dưới đây:
- Có tiền sử nhồi máu cơ tim trước đây.
- Trong gia đình có nam dưới 55 tuổi hoặc nữ dưới 65 tuổi từng bị nhồi máu cơ tim.
- Mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu…
- Béo phì, hút thuốc lá, lối sống ít vận động.
3. Dấu hiệu nào nhận biết nhồi máu cơ tim?
Đau ngực
Đau ngực là triệu chứng phổ biến nhất của nhồi máu cơ tim. Đau thường có cảm giác như bị đè nặng, bó chặt, đau nhói hoặc chèn ép ở ngực phía sau xương ức hoặc hơi lệch sang trái, lan lên vai trái và mặt trong tay trái cho đến tận ngón tay. Đau có thể lan đến cổ, cằm, vai, sau lưng, tay phải hoặc vùng thượng vị.
Khó thở
Khó thở xảy ra khi cơ tim không thể bơm đủ máu để cung cấp oxy cho cơ thể. Khó thở thường xuất hiện cùng với triệu chứng đau ngực nhưng cũng có thể không. Người bệnh có thể bắt đầu với cảm giác khó chịu ở ngực, sau đó là khó thở hoặc thở nghe tiếng khò khè.
Các dấu hiệu khác
Các dấu hiệu khác của nhồi máu cơ tim rất đa dạng tùy vào từng người bệnh. Ngoài đau ngực và khó thở thì còn một số triệu chứng khác như vã mồ hôi nhiều, buồn nôn, nôn mửa, lú lẫn, mệt mỏi, nhịp tim nhanh hoặc không đều, choáng váng hoặc chóng mặt, đau đầu, sợ hãi hoặc lo lắng. Ở một số người có thể gặp rối loạn tiêu hóa.
4. Nên làm gì khi nghi ngờ bị nhồi máu cơ tim
Gọi cấp cứu nhanh nhất có thể
Ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp, hãy gọi cho cấp cứu nhanh nhất có thể vì thời gian vàng để điều trị là 1 – 2 giờ hoặc ít nhất là 6 giờ sau khi có triệu chứng.
Tiến hành sơ cứu người bệnh còn tỉnh
Sau khi xác định người bị nhồi máu cơ tim nhưng còn tỉnh táo thì nhanh chóng gọi cấp cứu (115) ngay lập tức, sau đó:
- Đặt người bệnh ở tư thế nửa ngồi nửa nằm, tựa lưng vào ghế hoặc gốc cây (nếu ở ngoài).
- Hãy cởi bỏ áo khoác và nới lỏng quần áo như: cà vạt, khăn quàng cổ, nút áo, thắt lưng,… để người bệnh được thoải mái.
- Giúp người bệnh thả lỏng vai và cánh tay, nhắm mắt, hít thở nhẹ nhàng bằng mũi, không cố hít sâu để giảm căng cơ và mệt tim.
- Hãy cố gắng duy trì hơi thở chậm và đều như vậy cho đến khi xe cấp cứu đến.
- Không bôi dầu lên ngực của người bệnh.
- Nếu người bệnh đã được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị đau thắt ngực từ trước đó như Nitroglycerin hoặc Aspirin hãy dùng ngay một liều.
- Không nên tự ý sử dụng thuốc nếu bạn chưa được bác sĩ kê đơn từ trước.
Tiến hành sơ cứu người bệnh bất tỉnh
Ngay khi nhận thấy người bệnh bất tỉnh, ngưng thở và không còn bắt được mạch thì hãy nhanh chóng tiến hành hồi sức tim phổi cho người bệnh bằng phương pháp ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo:
Ép tim ngoài lồng ngực: người bệnh phải được đặt trên một mặt phẳng cứng, người sơ cứu quỳ phía bên trái người bệnh. Xác định điểm giữa xương ức và dùng hai bàn tay chồng lên nhau, ép sâu khoảng 1/3 lồng ngực rồi thả lỏng tay.
Hô hấp nhân tạo: kiểm tra, loại bỏ dị vật cản trở đường hô hấp trong mũi và miệng. Sau đó, nâng nhẹ cằm và bịt mũi người bệnh rồi dùng miệng thổi hơi vào miệng của người bệnh càng nhiều càng tốt.
Thực hiện 15 lần ép tim ngoài lồng ngực rồi dừng lại để hô hấp nhân tạo 2 lần và lặp lại liên tục.
5. Cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim
Trừ những yếu tố có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim không thể thay đổi như tuổi, tiền sử gia đình thì đa số những yếu tố khác chúng ta đều có thể hạn chế hoặc loại bỏ được nó:
- Khám sức khỏe định kỳ: bất kỳ ai cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần để kiểm tra, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý có thể gây ra nhồi máu cơ tim.
- Thay đổi thói quen sống: tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh và giữ tinh thần lạc quan giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhiều lần.
- Bỏ hút thuốc lá: khói thuốc lá ảnh hưởng lên mạch máu và cả hệ tim mạch vì vậy nên việc bỏ thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử là rất cần thiết để phòng ngừa nhồi máu cơ tim.
- Kiểm soát các bệnh lý mãn tính: việc thực hiện đúng phác đồ điều trị và tái khám đầy đủ các bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp… giúp giảm khả năng xảy ra biến chứng tim mạch.